Nhập nhèm khái niệm nước mắm là có tội
logo
5 stars - based on 1 reviews

Để không nhập nhèm giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, cần xây dựng bộ quy chuẩn riêng cho hai loại sản phẩm này.

Lo lắng cho sự sống còn của nghề làm nước mắm truyền thống, nhiều ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng cần có quy định minh bạch giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Từ đó người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn, tránh lập lờ.

Anh Phạm Ngọc Thành, nhà phân phối nước mắm Thanh Quốc: Công bố rõ ràng để người dân biết

Từ trước đến nay, người dân vẫn hay gọi nước mắm được ủ chượp từ cá và muối là nước mắm truyền thống. Cách phân biệt rõ ràng nhất chính là dựa vào nguyên liệu đầu vào và phương pháp, quy trình sản xuất nước mắm vốn có từ lâu đời ở các địa phương và tồn tại đến ngày nay.

Để người tiêu dùng không lẫn lộn giữa các loại nước mắm thì nhất định phải phân biệt rạch ròi từng loại nước mắm, nghĩa là có hệ tiêu chuẩn riêng cho từng loại để quản lý. Đồng thời công bố rõ ràng trên tem nhãn để khi lưu thông trên thị trường người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết, phân biệt.

Hơn nữa phương pháp và quy trình sản xuất nước mắm ở mỗi vùng cũng khác nhau do đặc điểm khác nhau về nguyên liệu đầu vào, điều kiện khí hậu,... Do đó, khi xây dựng tiêu chuẩn hay quy chuẩn cần khảo sát kỹ từng vùng sản xuất để làm sao bộ quy định đó giúp cho người sản xuất hướng đến những sản phẩm đã tốt thì càng tốt hơn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng giữa các nhà sản xuất.

Ông Đặng Thành Tài, Phó Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc:Trả lại đúng tên cho nước mắm truyền thống

Tôi cho rằng dự thảo TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm có những nội dung nhập chung, không rõ ràng và xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Đánh đồng với nhau như vậy là không được, không ổn.

Cần phải trả lại đúng tên cho nước mắm truyền thống, đồng thời phải có tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống và tiêu chuẩn cho nước mắm công nghiệp, chứ không thể đưa ra tiêu chuẩn chung cho hai loại như vậy.

Việc đưa ra tiêu chuẩn cụ thể để người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt thông tin và nhận diện sản phẩm, từ đó để họ có sự lựa chọn cũng như hiểu rõ về hai loại nước mắm.


Gom chung nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp, rồi đưa ra một quy định chung chỉ có lợi cho nước mắm công nghiệp. Trong ảnh: Du khách tham quan nhà thùng ở Phú Quốc. Ảnh: Trần Giang.

TS Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ KH&CN, Bộ Thủy sản:Cần hợp thức hóa tên gọi nước mắm truyền thống

Tôi đề nghị cơ quan nhà nước cần hợp thức hóa tên nước mắm truyền thống. Hợp thức hóa bằng cách nào? Hiện nay Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo TCVN 12607:2019 thì cần đưa vào khái niệm rõ ràng cho các loại nước mắm.

Cụ thể, để không nhập nhèm giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, nước chấm thì cơ quan nhà nước cần xây dựng hai bộ quy chuẩn cho hai loại sản phẩm.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện cho Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam được sớm thành lập. Qua đó tạo điều kiện hỗ trợ cho nghề nước mắm được bảo tồn và phát triển, nếu không sẽ có tội với truyền thống cha ông.

Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết:Không thể gọi là nước mắm

Tôi cho rằng những sản phẩm không có nước mắm, chỉ có tinh cốt hay hương cá, các loại hóa chất (chất tạo mùi, vị, bảo quản…) thì không thể gọi là nước mắm được, như vậy là đánh tráo khái niệm rồi.

Nếu đơn vị nào làm loại sản phẩm này mà ghi nước mắm thì phải xử phạt theo quy định về ghi sai nhãn hiệu, còn họ muốn ghi là nước chấm hay nước gì thì tùy.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Nước mắm Hạnh Phúc:Nước mắm truyền thống giá cao vì làm công phu

Quy trình để tạo ra nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp là rất khác biệt. Chẳng hạn, các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp thường mua nước mắm truyền thống rồi chế biến lại. Việc chế biến thường là pha loãng, nhạt muối, sau đó bổ sung thêm nhiều loại gia vị, phụ gia, chất bảo quản… Vì thế sản lượng cung cấp ra thị trường rất lớn, tùy theo mức độ pha loãng của nhà sản xuất; sản xuất quy mô công nghiệp hàng loạt, chi phí thấp hơn, giá thành rẻ hơn nước mắm truyền thống. Còn loại nước chấm chỉ có hương cá, tinh cốt cá, độ đạm dưới 10… thì là nước chấm.

Vì vậy, không thể đánh đồng tất cả thành một, áp chung một tiêu chuẩn theo kiểu công nghiệp là sai. Nếu không phân biệt rõ, nhập chung nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp vào một thì nước mắm truyền thống sẽ gặp khó khăn, thậm chí nguy cơ bị triệt tiêu.

Theo NDH.vn

TIN MỚI NHẤT