Còn nhiều tranh cãi xung quanh tiêu chuẩn nước mắm
logo
5 stars - based on 1 reviews

Tiêu chuẩn chính là công cụ để nhà quản lý và nhà sản xuất làm tốt hơn công việc của mình. Đồng thời là căn cứ để nhìn nhận, đánh giá chất lượng một sản phẩm. Và việc ban hành tiêu chuẩn là đòi hỏi thực tiễn đối với bất cứ lĩnh vực sản xuất nào. Thế nhưng mới đây, khi Bộ tiêu chuẩn Việt Nam về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được cơ quan chức năng đưa ra lấy ý kiến lần cuối trước khi ban hành, lại nhận được rất nhiều tranh cãi từ cộng đồng sản xuất nước mắm.

Đây là những chai nước mắm Phú Quốc được bày bán tại thị trường Hà Nội. Đại diện cơ sở sản xuất cho biết, nhãn hàng này đã xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, với khoảng 10.000 chai mỗi năm. Đáng nói là sản phẩm dù được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng nhưng thiếu tiêu chuẩn chính là rào cản khiến không thể xuất khẩu lượng lớn hơn.

Ông Phạm Ngọc Thành – Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm, đại diện phân phối nước mắm Phú Quốc Thanh Quốc: Cái lợi thế của Phú Quốc là được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu nhưng thực sự ra nếu xét về mặt tiêu chuẩn thì để mà đi đường chính ngạch là rất khó vì cái chỉ tiêu histamin mà trước đây VN và Thái Lan cùng làm trong bộ tiêu chuẩn codex thì nó là rào cản lớn nhất cho nước mắm truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài.

Đây là một ví dụ cho thấy, để tiếp cận thị trường xuất khẩu thì bất kỳ mặt hàng nào cũng phải đạt được những tiêu chuẩn theo yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Nói cách khác, việc ban hành bộ tiêu chuẩn để áp dụng vào quá trình sản xuất là cần thiết.

PGS.TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế: Quản lý là dựa vào tiêu chuẩn, tiêu chuẩn là cái dùng để phân biệt cái này với cái kia và để đánh giá cái này tốt hay xấu để cơ quan quản lý kiểm tra anh xem có đạt hay không, sản xuất cũng dựa vào đó để sản xuất.

Vậy nhưng, Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về  Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm vừa được cơ quan chức năng Bộ NN biên soạn, và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường của Bộ KHCN thẩm định, lại đang nhận nhiều ý kiến trái ngược nhau. Trong đó, tranh cãi nổi bật nhất là nếu áp bộ tiêu chuẩn này thì không còn khái niệm nước mắm truyền thống.

Ông Phạm Ngọc Thành – Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm, đại diện phân phối nước mắm Phú Quốc Thanh Quốc: Phải căn cứ trên thực tiễn và phải chỉnh sửa cho nó phù hợp hơn, nó phải minh bạch rõ từng nhóm sản phẩm. ví dụ nước mắm truyền thống như thế nào, nước mắm công nghiệp như thế nào và nó dựa trên thực tiễn. Tôi mong muốn bản dự thảo đấy phải làm rõ tiêu chuẩn cho từng loại nước mắm và phân loại rõ để cho người tiêu dùng có thể có cơ sở phân biệt ở trên thị trường.

Cùng với những tranh cãi về khái niệm, tên gọi thì nhiều ý kiến còn cho rằng, Bộ tiêu chuẩn mới có nhiều điểm không phù hợp với điều kiện sản xuất nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, cũng có cơ sở khẳng định, sẽ không có gì khó khăn nếu sản xuất đúng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng – Giám đốc Công ty Chế biến thủy hải sản Liên Thành, TP HCM: Mình ý thức sớm làm vệ sinh an toàn thực phẩm thì nay mình thấy phù hợp, còn nếu mình chậm trễ thì mình sẽ thấy ko phù hợp thôi và thấy khó khăn thôi. Mà thực ra cái tiêu chuẩn này người ta ko bắt buộc dn làm, mà người ta khuyến khích dn muốn sản phẩm mình tốt thì nên chú ý những điều này, chứ ko có bắt buộc.

Ban soạn thảo cũng khẳng định, Đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng.

TS. Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KHCN: Mục đích chính của tiêu chuẩn này là nó đưa ra các cái khuyến khích cái khuyến nghị về việc xác định mối nguy rủi ro, từ đó có thể đưa ra các cách thức để giúp cho nhà sản xuất có thể hạn chế các mối nguy để tránh rủi ro cho chính nhà sx và cho người tiêu dùng. Tức là ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm sau cùng. Khuyến nghị thì có thể là anh áp dụng hoặc anh không áp dụng tùy đk sx thực tế của mỗi nơi.

Trước những tranh cãi còn tồn tại, Ban soạn thảo cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp, để chỉnh sửa hoàn thiện. Làm sao Bộ Tiêu chuẩn thực sự là công cụ giúp cho nhà sản xuất làm tốt hơn công việc của mình, tạo thuận lợi trong thương mại sản phẩm. Đồng thời đây cũng là căn cứ để thị trường thế giới nhìn nhận, đánh giá sản phẩm của Việt Nam. Thực tế cho thế, khi tiêu chuẩn VN hài hòa tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn./.

Theo vnnew.gov.vn

TIN MỚI NHẤT